Thu nhập bình quân đầu người 2.228 USD/năm

Người đứng đầu Chính phủ cho hay, tăng trưởng năm 2015 ước đạt 6,5%, cao nhất 5 năm qua. GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD.



Trình bày báo cáo kinh tế – xã hội năm 2015 và 5 năm 2010-2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, giai đoạn 2006-2010 kinh tế phát triển khá, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, năm 2011, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế trong nước bộc lộ nhiều yếu kém.

Trước tình hình đó, Quốc hội đã điểu chỉnh mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, ưu tiên giảm lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện đời sống nhân dân; bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, giữ được hòa bình hữu nghị giữa các nước, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhờ vậy đã kiểm soát được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng niềm tin vào tiền đồng, khắc phục tình trạng đô la hóa, vàng hóa. Tăng trưởng năm 2015 ước đạt 6,5%, cao nhất 5 năm qua. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt khoảng 5,9%.

“GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người là 2.228 USD”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Các hành vi tham nhũng đã bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, khiếu nại tố cáo giảm cả về số lượng và số vụ. Quốc phòng an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Tai nạn giao thông giảm cả về số vụ và số người chết.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhìn nhận, an ninh trật tự tại một số địa bàn còn phức tạp, một số tổ chức nhen nhóm hình thành trái pháp luật; Ùn tắc giao thông tại đô thị lớn chậm khắc phục…

Nhìn nhận nguyên nhân của những hạn chế và yếu kém, Thủ tướng cho rằng có cả khách quan và chủ quan. Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên một số lĩnh vực còn khác nhau, chưa phù hợp nên chưa tạo hiệu quả phát huy các nguồn lực. Cơ chế chính sách trong nhiều trường hợp còn chưa sâu và còn chậm, tính khả thi chưa cao.

“Chưa thay thế kịp thời các cán bộ thực thi nhiệm vụ kém hiệu quả. Phương thức lãnh đạo quản lý điều hành chưa thật phù hợp. Chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển trong kinh thế thị trường và hội nhập quốc tế. Khả năng phân tích dự báo và phản ứng chính sách chưa đáp ứng nhu cầu trước tình hình quốc tế diễn ra rất nhanh”, Thủ tướng nói.

Báo cáo Quốc hội về hiệp định TPP, Thủ tướng cho biết, đây là hiệp định toàn diện tiêu chuẩn cao và cân bằng về lợi ích, có quy mô chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu.

Việt Nam đã chủ động tham gia đàm phán hiệp định này ngay từ đầu với tư cách là quan sát viên đặc biệt. Và trở thành thành viên chính thức từ tháng 11/2010.

Sau 5 năm, các nước đã kết thúc quá trình đàm phán vào ngày 5/10/2015. Trong quá trình đàm phán, Chính phủ nhiều lần báo cáo theo nghị quyết và chỉ đạo của Bộ Chính trị, bảo đảo lợi ích quốc gia, các nước tôn trọng thể chế chính trị và dành cho Việt Nam lộ trình hội nhập.

Theo thỏa thuận, các bên sẽ tiếp tục rà soát văn bản thủ tục để ký chính thức vào cuối 2015. Mục tiêu có hiệu lực vào giữa 2017 hoặc đầu 2018. TPP sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế Việt Nam, nhất là xuất khẩu.

“Sau hơn 8 năm tham gia WTO, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta tin tưởng rằng sẽ vượt qua thách thức và phấn dấu đạt được kết quả cao nhất trong quá trình gia nhập TPP. Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn Hiệp định theo đúng quy định của Quốc hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo dự kiến chương trình, kỳ họp này sẽ kéo dài hơn một tháng và bế mạc vào ngày 28/11. Trong đó, có khoảng 10 buổi được phát thanh, truyền hình trực tiếp (bao gồm phiên khai mạc).

Sau phần phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Quốc hội sẽ nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo về “Tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và năm 2016”.

Tiếp đến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Mở đầu phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, kỳ họp này có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng. Quốc hội sẽ xem xét và quyết định một số nội dung quan trọng như công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được xác định là nội dung trọng tâm.

“Quốc hội cũng sẽ xem xét kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước 2015, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016″, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và khái quát kết quả 5 năm 2011-2015; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2016.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ báo cáo kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016;  cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ, phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh sẽ báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Báo cáo thẩm tra cũng được các Ủy ban trình bày trước Quốc hội ngay sau đó.

Phiên chất vấn kéo dài trong 2,5 ngày

Tại kỳ họp cuối năm, Quốc hội sẽ dành thời gian thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Cụ thể, 19 ngày được dành để thảo luận, xem xét thông qua 18 luật, 14 nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật.

Quốc hội dành 12 ngày cho công tác giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như thảo luận, xem xét kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước 2015, kế  hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016…

Phiên chất vấn kéo dài 2,5 ngày, với sự tham gia của tất cả các thành viên Chính phủ và Thủ tướng. Ngoài các Bộ trưởng, Thủ tướng cũng sẽ trả lời những vấn đề liên quan và bao quát lại những vấn đề chung.

(Theo Tri Thức)

Giới thiệu | Công trình | Tin tức | Tài liệu | Tuyển dụng | Liên hệ |Chính sách bảo mật

Công ty TNHH Hòa Phong
Trụ sở: 207/ 5 Nguyễn Văn Thủ, Phường Đakao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028)38257238-38257239
Fax: (028)38270866
Số lượt truy cập
243023
2005-2018 Công ty TNHH Hòa Phong/ Giấy phép kinh doanh số 0304052426 do Sở kế hoach và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 11/10/2005.